Bạn muốn xây dựng một thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp hoặc cho dự án khởi nghiệp của mình? Bạn đang tìm kiếm ý tưởng nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu? Vậy thì mời bạn hãy xem qua bài viết này. Là công ty truyền thông chuyên về outsourcing, KNOK STUDIOS sẽ giải đáp cho bạn tất tần tật các câu hỏi xoay quanh câu chuyện “Xây dựng thương hiệu”.
Bạn muốn xây dựng một thương hiệu hay là một sản phẩm?
Đây chính là câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần tự hỏi mình trước khi bắt đầu một dự án.
Một thương hiệu sẽ được mua cùng với cảm giác thỏa mãn. Một sản phẩm chỉ đơn giản là được giao dịch bằng tiền. Và toàn bộ mối quan hệ của bạn với khách hàng tương lai sẽ được thiết lập và điều chỉnh bởi cách nhìn nhận đơn giản này.
Nếu bạn tạo ra được một thương hiệu, một bản sắc riêng, thì đó không chỉ là một sản phẩm bạn sẽ bán, mà gần như là một lối sống, là điều được xã hội công nhận và quan trọng hơn cả, chính là cảm giác hài lòng mà bạn sẽ mang lại cho khách hàng của mình. Ngược lại, nếu chỉ cung cấp một sản phẩm đơn thuần, khách hàng sẽ chỉ quan tâm đến tính hữu dụng của sản phẩm đó, chứ không hề nhận ra được giá trị thật sự mà sản phẩm mang đến cho mình là gì.
Tất nhiên, gầy dựng nên một thương hiệu đòi hỏi một quá trình đầu tư lâu dài, về thời gian, về ý tưởng cũng như về chiến lược marketing. Và Xây dựng thương hiệu – Brand Building chính là giải pháp duy nhất trong trường hợp này, để giúp bạn, hay nói cách khác là sản phẩm của bạn, được mọi người biết đến, sử dụng và công nhận. Và tất nhiên, doanh thu và lợi nhuận từ đó cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Ví dụ điển hình nhất mà chúng ta có thể nhắc đến ở đây là Apple. Các sản phẩm của họ liệu có tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh? Không. Nhưng liệu hình ảnh thương hiệu của họ có được coi là tốt nhất? Có. Đây là lý do tại sao họ đang là tập đoàn có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới. Bởi vì sở hữu một sản phẩm của Apple, vượt lên trên chức năng tiện ích thuần túy, người dùng có thể gửi tín hiệu đến mọi người là tôi đã gia nhập vào “hệ sinh thái” của Apple, một điều khiến họ cảm thấy tự hào.
Hãy suy nghĩ về thói quen mua hàng: bạn chỉ nghĩ đến tính hữu dụng của sản phẩm hay bạn mua hàng để thỏa mãn bản thân? Hoặc khi mang sản phẩm đi tặng, bạn có muốn người thân, bạn bè của mình vui lòng vì đã nhận được một sản phẩm có thương hiệu lớn và uy tín?
Đó chính là điểm mấu chốt cho chiến lược Xây dựng thương hiệu.
Định nghĩa về Xây dựng thương hiệu
Xây dựng thương hiệu: là quá trình xây dựng các chiến thuật và chiến dịch marketing, với mục tiêu là tạo ra giá trị xung quanh một thương hiệu. Bạn cần phải có một tầm nhìn dài hạn để tạo nên danh tiếng cho doanh nghiệp, thông qua việc khơi dậy cảm xúc và niềm tin của khách hàng dành cho sản phẩm, cho thương hiệu của bạn.
Bạn muốn thành công chỉ sau một đêm? Hãy quên điều đó đi nhé! Không có thương hiệu nào được tạo dựng trong một ngày. Tất cả chúng ta đều là một đứa bé, sau đó mới dần trưởng thành. Vậy thì danh tiếng của một doanh nghiệp cũng vậy, họ sẽ bắt đầu nổi tiếng ở địa phương, sau đó là khu vực, tiếp theo là quốc gia và cuối cùng là vươn tầm quốc tế.
Do đó, mục tiêu của Xây dựng thương hiệu, không phải là kích hoạt hành động mua hàng ngay lập tức bằng một chiêu trò quảng cáo hay khuyến mãi tức thời, mà là làm cho hình ảnh của thương hiệu in sâu vào tâm trí của khách hàng. Hình ảnh ấy có thể xuất hiện một cách thường xuyên, hoặc đúng lúc cần thiết, hoặc thật sâu sắc…, nói chung sao cũng được, miễn là có thể tạo được ấn tượng và làm khách hàng nhớ mãi.
Ở thời điểm hiện tại, để đạt được thành công, một thương hiệu cần có những đặc điểm nổi trội như sau:
- Có cơ sở vật chất ngoài đời thực với kiến trúc đẹp, biển quảng cáo rõ ràng, ấn tượng
- Website được vận hành tốt, nhanh và được tối ưu hóa cho mọi trải nghiệm duyệt web (PC, Tablet, Mobile).
- Đầu tư nghiêm túc cho chiến lược marketing, về in ấn lẫn kỹ thuật số
- Thông tin về sản phẩm/thương hiệu có nội dung chính xác và chất lượng.
- Dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, tôn trọng và làm hài lòng khách hàng.
- Có chính sách đãi ngộ tốt với nhân viên trong công ty
Tóm lại, tất cả các tín hiệu mà bạn gửi đến khách hàng, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều rất quan trọng đối với việc xây dựng hình ảnh thương hiệu.
Các giai đoạn của Xây dựng Thương hiệu là gì? Làm thế nào để tạo dựng nên một bản sắc thương hiệu riêng?
Sau khi đã hiểu rõ khái niệm về Xây dựng thương hiệu, chúng ta cần phải làm gì tiếp theo để có thể xây dựng hình ảnh thương hiệu một cách hiệu quả?
1. Xác định thương hiệu của bạn
Một thương hiệu, quan trọng nhất là phải có bản sắc. Giống như trong xã hội loài người, có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: điểm đặc trưng của bản thân là gì và vì sao mình lại được đánh giá cao hơn một số người khác?
Để xác định được bản sắc thương hiệu, hãy tìm câu trả lời cho các câu hỏi sau:
- Bạn hứa gì với người tiêu dùng?
- Giá trị của bạn hoặc triết lý sống của bạn là gì?
- Điểm mạnh của bạn là gì?
- Tại sao công ty của bạn tồn tại?
- Câu chuyện thương hiệu (Storybrand) là gì?
- Hình ảnh nào phù hợp với bạn nhất?
Đây là toàn bộ cơ sở của việc Xây dựng thương hiệu và tuỳ thuộc vào đáp án cho mỗi câu hỏi, bạn sẽ thực hiện bước tiếp theo là lên kế hoạch cho dự án của mình.
Định nghĩa về thương hiệu trước hết là khái niệm, sau đó sẽ được hiện thực hoá thành hình ảnh và văn bản thông qua các hình thức: thiết kế đồ hoạ, màu sắc, logo, câu slogan… Tất cả sẽ cùng kết hợp lại sao cho thật hấp dẫn và dễ nhận biết, từ đó làm bật ra bản sắc độc đáo của thương hiệu.
2. Phân biệt thương hiệu của bạn với đối thủ cạnh tranh.
Nếu bước đầu tiên là việc tìm hiểu bản thân, thì bước thứ hai chính là tìm hiểu môi trường xung quanh, và nhận biết các đối thủ cạnh tranh của mình.
Hãy là duy nhất!
Nếu bạn trông giống hệt một thương hiệu đã có tên tuổi, thì người tiêu dùng liệu có chọn bạn không? Câu trả lời chắc chắn sẽ là : Không, vì họ không có lý do gì phải chấp nhận rủi ro để mua một mặt hàng không đảm bảo, đặc biệt trong thời buổi nhiều khủng hoảng và bất ổn như hiện nay. Tâm lý người tiêu dùng luôn tin vào những nhãn hàng đã có thương hiệu.
Bạn có thể tạo nên sự khác biệt bằng cách bán giá rẻ hơn, nhưng giá rẻ tất nhiên sẽ đi đôi với chất lượng thấp, và sản phẩm của bạn chỉ được xem như một món hàng bình thường, không thể nào vươn đến đẳng cấp của một thương hiệu lớn được.
Hãy tiến hành nghiên cứu thị trường và nghiên cứu cạnh tranh để xác định điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ, sau đó tận dụng chúng để có thể đưa ra những phương án đối phó phù hợp, khiến sản phẩm của mình trở nên độc đáo hơn.
Thương hiệu, đồng nghĩa với việc bạn phải mang đến cho khách hàng một “điểm cộng”. Bạn có sự khác biệt gì? Hay khách hàng sẽ được thêm những gì nếu lựa chọn bạn? Luôn tìm cách đổi mới đôi khi là một ván bài đầy rủi ro, nhưng đó chính là cách duy nhất giúp bạn tồn tại lâu dài, vì vậy hãy nhớ định vị bản thân thật tốt.
Biết cách định vị thương hiệu, làm cho thương hiệu trở nên khác biệt và nổi bật hơn các đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ dần hoàn thiện hoặc trau chuốt được hình ảnh thương hiệu của chính mình.
3. Xác định và hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu.
Bạn sẽ không thể (và không nên) làm hài lòng TẤT CẢ MỌI NGƯỜI.
Khi chúng tôi hỏi khách hàng : mục tiêu mà họ đang nhắm đến là ai, thì câu trả lời thường gặp sẽ là: mọi người. Đây là một trong những sai lầm lớn nhất mà bạn có thể mắc phải. Ngay cả khi thương hiệu và sản phẩm của bạn có mục đích sử dụng chung chung, thì nhất thiết, bạn PHẢI có đối tượng mục tiêu cốt lõi, cụ thể là xác định được nhóm khách hàng nào có nhiều khả năng sẽ cần bạn và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của bạn nhiều nhất.
Hiểu được bạn sẽ bán sản phẩm của mình cho ai là điều hoàn toàn cơ bản, từ đó mới xác định được bạn nên tiếp cận với họ ở đâu, khi nào, bằng cách nào và tại sao.
Chúng ta không thể nào áp dụng cùng một bài giới thiệu hay tiếp thị sản phẩm cho một người cha, một người về hưu, một đứa trẻ, một người khuyết tật, v.v., v.v.
Hãy làm các cuộc khảo sát và thăm dò ý kiến dư luận để đánh giá mức độ phù hợp của sản phẩm và dịch vụ với nhiều phân khúc dân số khác nhau: tuổi tác, giới tính, xuất xứ, dân tộc, tôn giáo, sở thích và lối sống… Tất cả đều là các tiêu chí cần tính đến để viết nên thông điệp/câu chuyện ban đầu của thương hiệu, sau đó điều chỉnh lại từ từ sao cho phù hợp với thị trường mục tiêu của bạn.
Tập trung vào một thị trường ngách có thể là một chiến lược hiệu quả. Bạn đã xác định được đối tượng chính của mình là các bà mẹ chứ không các ông bố hay bất kỳ phân khúc dân số nào khác? Nhưng như thế vẫn là chưa đủ ! Phải tiếp tục đào sâu thêm nhiều thông tin hơn nữa để thiết lập những hồ sơ người dùng / khách hàng điển hình, mà trong marketing chúng tôi hay gọi là “Persona”.
Họ có phải là những bà nội trợ? làm việc bán thời gian hay toàn thời gian ? làm tại văn phòng hay tại nhà? có phải dân thành thị không? trẻ hay già? có một con hay hai con? họ thiên về thể chất hay trí tuệ? họ dễ bị ảnh hưởng bởi những ai hay những điều gì?
Bởi vì đối với từng hồ sơ khách hàng, sẽ có các phương pháp trò chuyện khác nhau, vì vậy hãy biết cách thích ứng với từng trường hợp cụ thể. Chúng ta sẽ tiếp chuyện họ với phong cách như thế nào ? Thân thiện ? Chuyên nghiệp? Hài hước? Cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt?…
Tham vọng chinh phục quá nhiều đối tượng khách hàng, nghĩa là sẽ đối mặt với rủi ro là KHÔNG AI tin tưởng bạn, có cảm tình với bạn, và lẽ dĩ nhiên, họ sẽ không chọn bạn. Vì vậy, hãy chọn lọc cẩn thận đối tượng khách tiềm năng, có như vậy thì thương hiệu mới được nhận diện rõ ràng.
4. Làm cho bản thân được biết đến.
Bây giờ bạn đã biết mình là ai, đang ở đâu và đang muốn phục vụ ai. Vậy thì, đã đến lúc bắt đầu các chiến dịch truyền thông của chính bạn, bằng cách sử dụng các công cụ và các kênh thông tin liên lạc để giao tiếp với khách hàng.
TV, radio, thư từ, báo chí, biển quảng cáo công cộng… là những kênh quảng cáo “kinh điển”, nhưng ít nhiều gì cũng đã lỗi thời, và dần nhường chỗ cho các chiến dịch marketing thời 4.0: ví dụ như quảng cáo qua SMS, e-mail, trên mạng xã hội, trên các website… Ngoài ra, cần phải nắm thêm các kĩ năng về SEO, quản lý cộng đồng, re-targeting (chiến dịch đeo bám quảng cáo) …, đó đều là những công cụ hiệu quả giúp bạn được mọi người biết đến nhiều hơn.
Và hãy lưu ý rằng, thương hiệu và chiến dịch truyền thông mà bạn lựa chọn, phải phù hợp với đối tượng mục tiêu mà bạn đang theo đuổi. Ví dụ, nếu muốn bán các sản phẩm công nghệ cho thanh thiếu niên, thì tất nhiên hãy quên kênh quảng cáo là báo chí hay gửi thư truyền thống đi, mà thay vào đó là đầu tư vào các chiến dịch quảng cáo bằng SMS, trên các website mà các đối tượng này thường xuyên truy cập (ví dụ: website về Games), hoặc hiện diện trên các ứng dụng và nền tảng mà họ hay sử dụng.
Nói đến đây, chúng ta lại thấy hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của giai đoạn trước đó: giai đoạn tìm hiểu để nắm rõ lối sống, thói quen tiêu dùng hoặc sử dụng Internet của khách hàng mục tiêu. Nhờ vậy, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc cho quá trình lựa chọn các kênh và phương tiện truyền thông phù hợp để giao tiếp với khách hàng.
Một khi đã xác định được các công cụ hỗ trợ, bạn cần phải biết được là tiếp theo, nên truyền đạt và quảng bá các thông điệp, nội dung… như thế nào.
Sử dụng video? hình ảnh ? bài viết? Cộng tác với một thương hiệu hay một người có sức ảnh hưởng? Làm nhà tài trợ? Hay thử một cách sáng tạo hơn bằng việc tạo ra: ứng dụng di động, mini game, serious game…?
Sau khi các bước chuẩn bị đã đâu vào đó, hãy khởi chạy các chiến dịch marketing và cẩn thận xem xét tính hiệu quả của chúng!
Và thường là sẽ rất khó giành được chiến thắng tuyệt đối ngay lần xuất binh đầu tiên. Chỉ với sự kiên nhẫn và thử nghiệm, bạn mới có thể xác định được phương tiện nào phù hợp nhất với đối tượng khách hàng mục tiêu và từng bước xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình một cách hiệu quả nhất!
Ví dụ: nếu bạn tuyên bố mình là một thương hiệu vì môi trường, hãy tránh sử dụng các biển quảng cáo bằng điện hao tốn quá nhiều năng lượng, túi/bao bì không thể tái chế, v.v. Thay vào đó, hãy ủng hộ các hệ thống vận tải không khí thải.
Làm cho bản thân được biết đến là một điều vô cùng cần thiết và quan trọng, nhưng với điều kiện là thông điệp mà bạn truyền tải và phương tiện mà bạn sử dụng luôn phải kết hợp ăn ý với nhau, phù hợp với bản sắc thương hiệu mà bạn đang xây dựng.
5. Sống đúng với bản thân và chân thành với khách hàng
Để thành công về lâu dài, bạn cần xây dựng một hình tượng ổn định, tạo được uy tín và gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với các khách hàng của mình.
Phần khó nhất khi tung ra một sản phẩm hay thương hiệu mới, chính là việc tìm kiếm những khách hàng đầu tiên. Chi phí để đạt được mục tiêu ấy rất cao, vì thế bằng mọi giá không được để mất khách! Một khách hàng rời bỏ chúng ta tương đương với việc một phần chi phí bỏ ra đã bị hao hụt, và nghiêm trọng hơn, trong một trường hợp đáng tiếc nào đó, họ sẽ có những đánh giá tiêu cực về bạn với những người xung quanh, gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh thương hiệu.
Để giữ chân khách hàng, bạn cần phải tôn trọng:
- Lời hứa của bạn.
- Kỹ năng/năng lực của bạn.
- Sự chính trực của bạn.
Tất nhiên, hãy tránh những hứa hẹn hoặc quảng cáo dễ gây hiểu lầm là lừa đảo, và luôn lưu tâm đến việc làm thế nào để có thể khiến khách hàng ngày một hài lòng hơn. Ví dụ về quy trình mua hàng, thời hạn giao hàng, cách thức thanh toán… cần phải cải thiện những gì? Nói chung là, nếu bạn phục vụ khách hàng càng tận tâm, thì họ sẽ có cảm giác biết ơn, và càng muốn gắn bó với bạn về lâu dài. Mối quan hệ xây dựng dựa trên sự tin tưởng chính là triết lý cốt lõi của kinh doanh.
Hay nói cách khác, mục tiêu quan trọng nhất xây dựng thương hiệu chính là: tạo dựng niềm tin cho khách hàng.
Tuy nhiên, khi đã xây dựng được hình ảnh uy tín, không có nghĩa là ngừng đổi mới hoặc ngủ quên trên chiến thắng. Phải luôn tiến về phía trước và cải tiến, để thử nghiệm những điều mới, miễn là nó vẫn phù hợp với định vị ban đầu của bạn.
Và bạn cũng nên hiểu rõ rằng sẽ có những lỗi định vị thương hiệu mà đôi khi chúng ta mắc phải. Nếu rơi vào trường hợp đó, hãy xem xét việc xây dựng lại thương hiệu hoặc tái khởi động lại dự án của bạn theo một cách khác. Nhưng ngược lại, nếu dự án chạy tốt trong một vài năm đầu, và công ty đang có những bước tiến rõ rệt, thì đừng dại dột thay đổi 180 độ chiến lược mà bạn đang theo đuổi, hãy điều chỉnh khéo léo để sửa chữa những sai lầm của mình.
Chiến lược Xây dựng thương hiệu : những điều nên làm và không nên làm
NÊN: những lời khuyên bổ ích cho quá trình Xây dựng thương hiệu
Tạo ấn tượng tốt ngay từ cái nhìn đầu tiên
Nghe có vẻ hơi cực đoan, nhưng ngay từ những buổi giới thiệu sản phẩm đầu tiên, bạn phải luôn tự nhủ rằng người mới không được phép mắc sai lầm. Ấn tượng ban đầu mà khách hàng dành cho sản phẩm/thương hiệu của bạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành vi mua hàng sau này của họ. Vì vậy, cho dù là gặp mặt trực tiếp hay trong các sự kiện quảng bá, cố gắng tránh các lỗi cơ bản như: vội vàng, cẩu thả, hoặc có sự chuẩn bị chưa tốt. Hãy dành thời gian để suy nghĩ thật kĩ về những gì bạn sẽ nói và sẽ làm với khách hàng.
Nhiều công ty hay bị mắc lỗi là quá nôn nóng và lao vào thực hiện dự án như đặt cược một canh bạc. Tạo nên một thương hiệu, đòi hỏi phải được lên ý tưởng và chuẩn bị kỹ càng. Đừng phó thác cho sự may mắn, mà phải biết tự nắm bắt cơ hội của mình.
Quản lý tốt các nền tảng mạng xã hội
Trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay, mọi người hạn chế tiếp xúc gặp mặt trực tiếp, thì hầu hết các thương hiệu sẽ sử dụng những mạng xã hội như Facebook hoặc Twitter để chăm sóc khách hàng hoặc chia sẻ các nội dung, thông tin quan trọng. Do đó, nếu muốn tương tác tốt với khách, bạn cần hiện diện trên các kênh truyền thông này.
Và hãy nhờ một điều, tuy đây là các phương tiện giao tiếp không được xem là mới nữa, nhưng không có nghĩa là chúng ta được phép xem nhẹ, mà ngược lại, phải chăm chút chúng thật kĩ.
Nếu bạn không có đủ nguồn nhân lực hoặc kỹ năng để giữ cho các trang mạng xã hội của mình luôn ở trạng thái hoạt động tích cực, thì tốt nhất đừng nên tạo ra chúng. Khách truy cập sẽ rất thất vọng khi vào phải một trang không có nội dung hoặc tương tác nhưng lại không nhận lại được bất kì phản hồi nào. Điều đó có nghĩa là chiến dịch truyền thông của bạn đã bị tác dụng ngược, thế thì thà đừng có còn tốt hơn.
Để quản lý tốt các trang mạng xã hội, phải lên chiến lược và kế hoạch cụ thể, có lịch đăng bài, có những đánh giá, phân tích, và điều chỉnh phù hợp. Những nhiệm vụ này cần được thực hiện bởi những người chuyên nghiệp, có kinh nghiệm.
Hãy xem các nền tảng như Facebook, Instagram, Linkedin, Twitter…là người phát ngôn chính thức của bạn, đại diện cho tiếng nói và tâm hồn của thương hiệu bạn. Vì vậy, hãy đối xử với chúng một cách nâng niu, đúng như những gì chúng xứng đáng được hưởng.
Luôn quan tâm đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ
Chất lượng dịch vụ luôn phải được xem là trọng tâm của chiến lược Xây dựng Thương hiệu. Phải làm gì để có thể cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ để người dùng có những trải nghiệm tốt nhất? , đó chính là câu hỏi bạn phải luôn tự nhủ trong lòng.
Ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng, bạn có thể nghĩ đến việc tặng quà hay phần thưởng cho các khách hàng trung thành, khách VIP… để thể hiện sự trân trọng dành cho họ. Có như vậy, mối quan hệ giữa khách hàng và công ty sẽ càng được thắt chặt và trở nên bền lâu.
Sử dụng các nền tảng thu thập ý kiến khách hàng
Người dùng Internet, theo một cách nào đó, đã trở thành những người bạn thân của nhau, dù họ sống ở những nơi khác nhau trên toàn thế giới. Nếu như ngày trước, sự truyền miệng chỉ diễn ra trong khuôn khổ giới hạn của người quen, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp … thì ngày nay “lực tấn công” của một cá nhân lớn hơn rất nhiều, vì anh ta sử dụng các nền tảng để đưa ra ý kiến của mình về một thương hiệu nào đó, và ý kiến đó sẽ được rất nhiều người đọc được.
Cộng đồng người tiêu dùng, các nhóm được lập trên Facebook nhằm thể hiện sự yêu/ghét một thương hiệu nào đó, hoặc các website chuyên về review như Yelp! , TripAdvisor, Glassdoor, thậm chí là Google, đều là những nền tảng có thể trở thành mỏ vàng để bạn có thể khai thác.
Phân tích phản hồi của người tiêu dùng về thương hiệu của bạn hoặc đối thủ cạnh tranh của bạn, sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích. Thay vì phải bỏ ra chi phí để thực hiện các cuộc khảo sát thu thập ý kiến người dùng, thì nay, bạn có thể dựa vào các nền tảng có sẵn ấy để tham khảo các đánh giá, nhận xét của nhóm khách hàng mục tiêu, sau đó điều chỉnh lại chiến lược sao cho phù hợp.
Ngoài ra, hãy khuyến khích khách hàng tham gia đánh giá thương hiệu của bạn để tạo dựng một danh tiếng vững chắc.
Các nhận xét một khi đã được chứng thực bởi những nền tảng đánh giá uy tín, thì đều có trọng lượng lớn và có sức ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của những người dùng khác sau khi đọc chúng. Vì vậy, bạn phải hết sức cẩn trọng khi tiếp cận với vấn đề này, đặc biệt khi gặp phải những phản hồi tiêu cực, hãy hành xử khéo léo để bảo vệ hình ảnh thương hiệu.
KHÔNG NÊN : Những điều cần tránh trong quá trình Xây dựng thương hiệu
Quá vồ vập
Các quảng cáo dạng ép buộc hay chủ động tìm đến khách khi khách không có nhu cầu, thường không mấy hiệu quả, và nếu có thì chúng cũng chỉ có tác dụng ngắn hạn, chứ không thể tồn tại dài lâu.
Ví dụ: bằng cách truy xuất cơ sở dữ liệu về thông tin khách hàng, bạn bắt tay vào chiến dịch gọi điện, gửi SMS hoặc gửi email nhưng lại chưa được sự cho phép của họ, thì bạn đã phần nào gây ấn tượng xấu và khiến khách hàng mất cảm tình đối với thương hiệu của bạn.
Thay vào đó, hãy thử tạo một landing page (trang đích) nhằm mang lại giá trị gia tăng cho khách truy cập, bằng cách trao đổi thông tin liên hệ của họ với một ưu đãi cụ thể nào đó.
Chỉ tập trung vào việc quảng bá sản phẩm
Bạn đang tìm cách tạo dựng một bản sắc riêng, và thậm chí muốn liên kết nó (hoặc tạo ra) với một lối sống cụ thể nào đó. Vậy thì để đạt được mục tiêu ấy, không thể chỉ dựa vào các sản phẩm. Khi giao tiếp với khách hàng, đừng cho họ cảm giác rằng bạn đang cố gắng “bán ra càng nhiều càng tốt” các sản phẩm và dịch vụ của mình, mà hãy hành xử nhân văn hơn. Nói về các giá trị của bạn, các hoạt động ngoài kinh doanh, hỏi thăm khách hàng về công việc, cuộc sống, thậm chí đồng hành cùng họ trong một số hoạt động hàng ngày, nhưng trong mức độ và giới hạn cho phép.
Đứng yên một chỗ và không nắm bắt xu hướng thị trường.
Một trong những thách thức đối với các doanh nghiệp hiện nay là phải luôn thích ứng với những biến đổi của thị trường trong một thế giới không ngừng chuyển động. Một nước đi sai lầm có thể khiến bạn, dù đang dẫn đầu xu thế, sẽ rơi thẳng xuống vực sâu và trở thành một thương hiệu bị quên lãng.
Hãy nghĩ đến Kodak, hãy nghĩ đến Blockbusters, vốn không lường trước được về cuộc cách mạng của máy ảnh kỹ thuật số hoặc hình thức phát trực tuyến, đã bị các đối thủ như Nikon hay Netflix bỏ xa!
Một ví dụ khác là về những gã khổng lồ dầu mỏ, dù không muốn chút nào nhưng họ đang buộc phải xem xét các nguồn năng lượng khác để đảm bảo cho sự tồn tại của họ về lâu dài! Thử nhìn thành phố Dubai mà xem, họ đã từng đầu tư vào dầu mỏ và hoạt động kinh doanh xoay quanh nó như thế nào. Sau đó, nhận thức được tính chất “hữu hạn” của nguồn tài nguyên này, họ đang chuyển đổi lại, chẳng hạn như đầu tư vào lĩnh vực du lịch, bằng cách xây dựng nhiều sân bay, hãng hàng không, khách sạn và giải trí vô cùng hoành tráng.
Apple đã cách mạng hóa thị trường âm nhạc vào những năm 2000 với máy nghe nhạc iPod MP3. Nhưng ngày nay mấy ai còn sử dụng iPod nữa chứ? Không ai cả! Apple hiểu rất rõ điều đó nên đã xoá sổ sản phẩm này, và thay thế nó bằng một sản phẩm khác cùng thương hiệu, đó là iPhone.
Tóm lại, quá trình Xây dựng thương hiệu không có điểm kết thúc: nếu thương hiệu của bạn phải được gắn với quá khứ, với truyền thống và không thể xóa bỏ trong hiện tại, thì nó cũng phải là một phần của tương lai!
Hãy quan tâm đến các xu hướng, đọc các bài báo mới nhất, mở các bộ phận R&D và theo dõi sát sao các tin tức về công nghệ, xã hội và môi trường, để luôn đi trước một bước!
Động đến vấn đề chính trị
Trừ khi nó phù hợp hoàn toàn với thị trường ngách của bạn, thì tốt nhất hãy tránh các quan điểm và thông điệp chính trị mang tính chia rẽ, cho dù bạn chia sẻ chúng một cách trực tiếp hay gián tiếp. Đó không phải là vai trò của bạn. Nếu bạn đảm nhận trách nhiệm ấy và đưa ra các phát ngôn nhạy cảm, có thể bạn sẽ xúc phạm đến một tệp khách hàng nào đó và danh tiếng của công ty sẽ đối mặt với nguy cơ bị huỷ hoại.
Hãy nhớ ví dụ về thương hiệu dao cạo râu Gillette. Vào năm 2019, lấy cảm hứng từ phong trào #Metoo, Gillette đã tung ra một quảng cáo nhận phải rất nhiều chỉ trích đến từ chính nhóm khách hàng mục tiêu của mình, đó là các đấng mày râu. Họ cảm thấy bị đối xử bất công và cho rằng thương hiệu này đã quy chụp những giá trị tiêu cực cho nam giới, sau đó lấy đạo lý để “dạy dỗ” họ. Thông điệp này khiến đại đa số khách hàng rất bất bình và quyết định quay lưng với thương hiệu.
Gần đây hơn, Coca Cola đã gây náo động khi trong một buổi đào tạo nội bộ, các nhân viên của họ được khuyến khích là hãy “bớt trắng” (less white) – nghĩa là giảm bớt tinh thần da trắng, bớt tỏ ra thượng đẳng. Và nội dung này đã bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc một cách trắng trợn. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã nói trong phần giới thiệu rằng truyền thông nội bộ của một thương hiệu, đặc biệt là trong thời đại internet này, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc Xây dựng thương hiệu.
Nói chung, nên tránh lấy danh nghĩa của thương hiệu để bàn luận về các vấn đề thời sự dễ gây chia rẽ hoặc đùa cợt về những chủ đề nhạy cảm, nghiêm túc dễ khiến công chúng hiểu lầm.