Ở thời điểm hiện tại, thật không dễ dàng gì tìm được các chuyên gia về web đáng tin cậy. Khi thị trường có quá nhiều nhà cung cấp với nhiều dịch vụ và nhiều mức giá khác nhau, chúng ta thường sẽ bị rối và không biết đâu mới chính là web agency (công ty chuyên về web) có thể giúp giải quyết vấn đề mình đang cần.
Đó là lý do tại sao bạn nên cần hiểu rõ khái niệm về web agency (hay cụ thể hơn là về digital marketing agency – công ty chuyên về truyền thông, tiếp thị, quảng cáo trên Internet), cũng như vai trò và chức năng mà từng nhân viên trong lĩnh vực này đang nắm giữ.
Những vị trí công việc trong một web agency
Quản lý dự án Web Marketing/ Giám đốc phụ trách thương mại điện tử: (Web Marketing Project Manager / E-Commerce Manager)
Người đứng đầu một dự án web đóng vai trò quản lý. Anh ta sẽ lập kế hoạch, điều phối và giám sát hoạt động của các thành viên trong ê-kíp. Anh ta cũng là người đối thoại trực tiếp với khách hàng, thu thập các nhu cầu và mong muốn của họ, sau đó sẽ làm việc cùng ê kíp để giúp khách hàng hiện thực hóa những mong muốn đó.
Trên thực tế, người quản lý dự án web cần thông thạo nhiều kỹ năng về lĩnh vực web. Lượng kiến thức sâu rộng này sẽ giúp anh ta quản lý tốt nguồn nhân lực cũng như đưa ra những hướng dẫn khi cần thiết. Vai trò của anh ấy đôi khi cũng sẽ lấn sân sang nhiệm vụ Quản lý lưu lượng truy cập. Bằng cách sử dụng các công cụ như Google Analytics, người quản lý sẽ nghiên cứu và theo dõi lưu lượng truy cập vào trang web, từ đó sẽ tìm ra những chiến lược phù hợp giúp tăng lượng truy cập và cải thiện tỷ lệ chuyển đổi, biến người dùng trở thành khách hàng thân thiết.
Thiết kế đồ họa / Giám đốc nghệ thuật: (Graphic Designer / Artistic Director)
Nhà thiết kế đồ họa hay giám đốc nghệ thuật chính là linh hồn sáng tạo của một web marketing agency.
Người này sẽ chịu trách nhiệm tạo ra thiết kế tổng thể và các hình ảnh trực quan cho trang web của khách hàng: tạo logo, lựa chọn phông chữ và màu sắc… , hay nói cách khác, họ sẽ giúp truyền tải thông điệp và hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp đến với khách hàng dưới góc nhìn nghệ thuật.
Một nhà thiết kế đồ họa giỏi có thể làm việc trên tất cả các loại phương tiện, từ trang web đến các tài liệu in ấn như: danh thiếp, tài liệu quảng cáo, tờ rơi, hàng dệt may, banner, standee, phụ kiện, bao bì v.v.
Nhà phát triển web (Web developer)
Thật ra, không phải web agency nào cũng cần phải có các nhà phát triển web làm việc cố định cho họ.
Có rất nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, ví dụ như: Javascript (JS), HTML / CSS, Ruby, Python, v.v. và mỗi nhà phát triển web sẽ có một chuyên ngành, hoặc cũng có một vài người sẽ thông thạo tất cả ngôn ngữ này. Vì vậy, bạn nên nói rõ mình đang cần nhà phát triển web cho chuyên ngành nào khi tìm kiếm nhân lực cho dự án sắp tới.
Công việc của họ là tạo ra các trang web, hoặc viết mã cho các trang web, ứng dụng di động hoặc phần mềm để đảm bảo rằng chúng sẽ vận hành tốt. Họ cũng sẽ sửa được những lỗi nghiêm trọng nhất mà backend của các CMS (hệ thống dữ liệu của Content Management System) không thể nào tự giải quyết được.
Chuyên gia SEO: (SEO Expert)
Xuất hiện như một làn sóng mới, khái niệm về Quản lý hoặc Chuyên gia SEO đã dần phổ biến trong vài năm trở lại đây. Khi các quy tắc và thuật toán của các công cụ tìm kiếm ngày càng trở nên phức tạp hơn, chúng ta thật sự cần phải có những chuyên gia về lĩnh vực này.
Chuyên gia SEO là sự kết hợp giữa một nhà tiếp thị (Marketer) và một “kỹ thuật viên” về web.
Trước tiên, người này cần phải có nhiều kiến thức trong lĩnh vực marketing để có thể tạo ra những bài viết hoặc đoạn miêu tả hấp dẫn, thu hút khách truy cập nhấp vào xem trang web. Hoặc anh ấy cũng cần phải thật nhạy bén trong việc nghĩ ra các từ khoá được nhiều người dùng nghĩ đến, có như vậy mới giúp trang web xuất hiện trong top đầu của kết quả tìm kiếm.
Mặt khác, anh ấy cũng phải thông thạo các kỹ thuật cần thiết khi muốn tối ưu hóa trang web (tốc độ, mã, nén hình ảnh) và làm cho trang web có điều hướng tốt, phù hợp với yêu cầu mà Google đặt ra. Nói chung, chuyên gia SEO sẽ giúp tối ưu hóa khả năng hiển thị của trang web trên Google.
Chuyên gia SEO cũng có thể là chuyên gia SEM (Từ khóa trả phí cho hệ thống đặt giá thầu, như Google Ads / Google Adwords).
Thiết kế web và Chuyên gia UI / UX: (Webdesigner and UI / UX Experts)
Các nhà thiết kế web và các chuyên gia về giao diện người dùng sẽ chịu trách nhiệm về việc thiết lập cấu trúc hiển thị của một ứng dụng hoặc một trang web.
Đôi khi họ còn được gọi là nhà công thái học hoặc kiến trúc sư web, mục tiêu của họ là làm cho việc lướt web hoặc sử dụng ứng dụng trở nên dễ chịu và trực quan.
Họ cấu trúc thông tin và sắp xếp các yếu tố một cách hợp lý, từ đó dẫn đến một hành động từ phía người dùng, ví dụ như mua hàng (đường dẫn chuyển đổi). Nhiệm vụ của họ là khiến người dùng cảm thấy được chào đón trong những điều kiện tốt nhất khi ghé thăm trang web, từ đó thực hiện các hành động tiếp theo như lướt web, đọc bài, xem sản phẩm, mua sản phẩm… trong một tâm thế vô cùng thoải mái và dễ chịu.
Quản lý cộng đồng (Community manager) :
Hay còn được gọi là Chuyên gia về truyền thông xã hội. Kỹ năng quan trọng nhất của vị trí này chính là khiếu giao tiếp. Anh ấy cần phải hiểu rõ quy tắc và tính chất của từng mạng xã hội khác nhau như Linkedin, Facebook, Twitter, Pinterest, Instagram, v.v., từ đó xây dựng nên các chiến lược phù hợp để có thể giao tiếp hiệu quả với từng đối tượng khách hàng.
Anh ấy biết cách làm thế nào để đăng những nội dung hay, chất lượng để có được sự tương tác tốt nhất.
Ngoài ra, người quản lý cộng đồng cũng cần phải biết cách ứng xử trong trường hợp xảy ra khủng hoảng (tin đồn xấu, thất thiệt) để xoa dịu các xung đột hay những lời chỉ trích nhằm bảo vệ hình ảnh của công ty.
Biên tập viên web: (Web Editor)
Biên tập viên web chính là ngòi bút chủ lực của các công ty truyền thông kỹ thuật số. Anh ấy chịu trách nhiệm biên soạn nội dung (thương mại hay mục đích khác…) cho trang web của khách hàng.
Vị trí này phải đối mặt với khá nhiều ràng buộc :
Đầu tiên là phải tạo nên nhưng bài viết gắn liền với bản sắc và phong cách của một thương hiệu.
Tiếp đến, cần tuân thủ theo hướng dẫn của chuyên gia SEO, sao cho nội dung viết ra phải chứa đựng các từ khóa sẽ được tìm kiếm.
Cuối cùng, bài viết phải phù hợp với trình soạn thảo của trang web, đúng theo các tiêu chuẩn như : lựa chọn từ ngữ, phong cách diễn đạt, độ dài, cấu trúc của đoạn văn… Nói chung là phức tạp hơn nhiều so với việc biên tập nội dung cho các bài báo hoặc sách vở bằng giấy.
Web Integrator
Đây là một thuật ngữ khá mơ hồ và chưa có một tên gọi cụ thể trong tiếng Việt, nhưng có thể hiểu nôm na là người tích hợp web. Người này sẽ tổng hợp lại các chất liệu được cung cấp bởi nhà thiết kế web, nhà thiết kế đồ họa và biên tập web (hoặc thậm chí là chuyên gia SEO) để xây dựng nên một trang web thực thụ. Vai trò của anh ấy đôi khi cũng tương tự như quản trị viên web.
Quản trị viên web: (Webmaster)
Đây là một trong những vị trí công việc đã xuất hiện từ rất lâu trong lĩnh vực web. Thời điểm ban đầu, quản trị viên web là người chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ trang web. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, lĩnh vực tiếp thị/thương mại điện tử ngày một phát triển và đang được chuyên môn hoá với sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới, thì ngày nay, quản trị viên web không còn phải « ôm đồm » quá nhiều việc nữa.
Công việc chính của họ bây giờ là quản lý hoạt động hàng ngày của một trang web. Họ thử nghiệm và kiểm tra các chức năng để đảm bảo rằng trang web luôn trực tuyến và vận hành trơn tru. Họ cũng sẽ đảm nhận phần bảo trì, cập nhật trang web và sửa lỗi khi có vấn đề xảy ra. Quản trị viên web cũng nên có kiến thức về ngôn ngữ lập trình (thường là HTML và CSS) vì đôi khi họ sẽ phải sử dụng nó, tuy nhiên tỷ lệ công việc liên quan đến việc coding này sẽ thấp hơn nhiều so với lập trình viên hoặc nhà phát triển web.